Nông sản thời Covid - Đến quả vải cũng phải lên App
Việc đưa nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử sẽ trở thành “chuyện thường ngày” tại Việt Nam, kể cả khi Covid-19 qua đi…
Kênh tiêu thụ nông sản trong đại dịch
Covid-19 bùng phát lần thứ tư đúng mùa thu hoạch nhiều loại trái cây, nông sản. Nhưng, nỗi lo gần 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang không có nơi tiêu thụ do tỉnh này trở thành tâm dịch, hay hàng trăm ngàn tấn mận Sơn La, Hà Giang, sầu riêng và bơ Tây Nguyên - Đông Nam Bộ… bị dồn ứ đã phần nào vơi đi, khi kênh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử được khởi động.
Tháng 5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động thực hiện Chương trình “Đưa đặc sản Việt đến tay người tiêu dùng - Vải thiều Bắc Giang” bằng việc kêu gọi các sàn thương mại điện tử Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post), Vỏ sò (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel - Viettel Post) chung tay hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều. Tiếp đó, Tiki, Shopee, Sendo, Cuccu cũng nhanh chóng vào cuộc.
Trước đó, từ ngày 24 đến hết ngày 28/5, Sendo đã tiêu thụ khoảng 15,5 tấn vải thiều Thanh Hà. Trong các đợt mở bán nông sản vào tháng 3, tháng 4/2021, Sendo hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ 25 tấn rau Hải Dương và 2 tấn bưởi da xanh Giồng Trôm, Bến Tre…
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, việc vận chuyển nông sản đảm bảo chất lượng đòi hỏi mức chi phí cao hơn nhiều so với hàng hóa thông thường. Nhưng để hỗ trợ người dân Bắc Giang và giúp người tiêu dùng trên toàn quốc được sử dụng sản phẩm chất lượng tốt nhất, Viettel Post sẽ giảm chi phí chuyển phát đồng giá toàn quốc (chỉ 15.000 đồng/5 kg). Đặc biệt, với sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel Post đã có các loại giấy phép và giấy chứng nhận để có thể xuất vải thiều Bắc Giang chất lượng sang Đức.
Trong khi đó, Vietnam Post đã vận chuyển 2,5 tấn vải thiều Bắc Giang đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để thực hiện các thủ tục hải quan và nhanh chóng xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Được biết, VietnamPost tiếp tục bắt tay các nhà thu mua và xuất khẩu vải thiều Bắc Giang trong mùa vụ năm nay để kết nối, đưa đặc sản này đến các thị trường quốc tế.
Ngoài vải thiều, Vietnam Post còn kết nối và vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao khác của Việt Nam đến Hà Lan, Pháp, Séc, Australia, Brunei…
Sau vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn, dứa (Bắc Giang), hành tím (Sóc Trăng)…, xoài Yên Châu và mận hậu Sơn La cũng đã chính thức được đưa lên bán trên sàn Postmart của VietnamPost.
Để không còn là “giải pháp tình thế”
Việc phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử là cơ hội thuận lợi cho chuyển đổi số trong tiêu dùng và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, để số hóa toàn bộ quá trình này, còn rất nhiều việc phải làm, cả từ phía doanh nghiệp lẫn nông hộ, hợp tác xã.
Thời gian qua, Vietnam Post không chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vận chuyển hàng đi tiêu thụ, mà còn chú trọng hướng dẫn người dân mở thêm kênh tiêu thụ nông sản mới trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển và Thương hiệu (Vietnam Post), công nghệ, những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường… vẫn còn khá xa lạ với người nông dân. Bảo quản nông sản cũng là bài toán đặt ra, bởi trước đây, bà con nông dân thường chỉ bán cho thương lái.
Ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Vietnam Post cho hay, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa nông sản và các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương lên sàn thương mại điện tử và hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín để đồng hành cùng người dân chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Về phía Viettel Post, ngoài việc hướng dẫn, đào tạo cho nông dân cách bán hàng trên sàn, livestream và hỗ trợ các phương thức quảng cáo ngay tại vườn, ông Trần Trung Hưng cho biết, sàn thương mại điện tử Vỏ sò sẵn sàng hỗ trợ bà con mở gian hàng và hướng dẫn chuyển đổi dần, bàn giao cho bà con nông dân tự vận hành, chủ động bán hàng.
Nguồn: Báo đầu tư